4. Một số vấn đề sau khi trám răng có thể xảy ra

Trám răng là kỹ thuật được áp dụng phổ biến nhưng không có nghĩa là hoàn toàn không có tác dụng phụ nào. Bạn nên lưu ý một số vấn đề có thể xảy ra sau khi trám răng để biết cách xử lý phù hợp.

1. Răng đau nhức và nhạy cảm

Sau khi thực hiện trám, răng có thể nhạy cảm hơn với không khí, thức ăn hay nhiệt độ. Thông thường, sau một vài tuần, răng sẽ trở lại như bình thường và bạn sẽ không cần dùng đến thuốc giảm đau.

Nếu bạn thấy đau khi cắn thức ăn thì có thể là do chỗ trám răng có vấn đề và cần đến gặp bác sĩ ngay. Nếu bạn thấy đau khi răng chạm vào nhau thì đó có thể là do các vật liệu trám răng khác nhau, như bạn vừa mới thực hiện trám amalgam trong khi trước đó đã trám răng vàng gần đó. Tình trạng này sẽ tự khỏi nên bạn sẽ không cần đến sự can thiệp của nha sĩ.

Đôi khi, bạn có thể có cảm giác đau hoặc nhạy cảm ở những răng xung quanh răng trám. Tình trạng này có thể chỉ đơn giản là do răng trám đang truyền tín hiệu đau cho các răng lân cận và cơn đau sẽ tự hết sau từ 1 – 2 tuần.

2. Phản ứng với vật liệu trám

Phản ứng dị ứng với cách trám bạc là có thể xảy ra tuy rất hiếm. Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA), chỉ có dưới 100 trường hợp đã ghi nhận có phản ứng khi trám bạc. Trong những trường hợp này, thủy ngân hoặc một trong các kim loại trong hỗn hợp trám bạc được cho là gây ra phản ứng dị ứng. Các triệu chứng dị ứng với trám bạc cũng tương tự các triệu chứng dị ứng da điển hình như phát ban và ngứa.

Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc dị ứng với kim loại thì nên trao đổi trước với nha sĩ để tìm các vật liệu trám khác phù hợp hơn.

3. Vết trám bong tróc

Áp lực liên tục từ hoạt động nhai hoặc nghiến răng có thể làm cho vật liệu trám bị mòn, sứt mẻ hoặc bong tróc. Những thay đổi của vết trám nếu không chú ý sẽ dễ bị bỏ qua, do đó, bạn cần kiểm tra thường xuyên vết trám tại nhà và định kỳ đến nha khoa sau khi trám.

Nếu lớp đệm giữa men răng và chỗ trám bị vỡ, các vụn thức ăn và vi khuẩn gây sâu răng có thể thâm nhập, làm nguy cơ sâu răng trầm trọng hơn. Một số trường hợp có thể tiến triển thành viêm tủy răng hay gây ra áp xe răng.

Sau khi trám, bạn cần tuân thủ những lưu ý của nha sĩ và cẩn thận trong ăn uống, vệ sinh răng miệng cũng như sinh hoạt hàng ngày.

Chăm sóc răng sau khi trám

Chỗ trám răng muốn giữ được lâu thì điều quan trọng nhất là bạn phải chăm sóc răng đúng cách sau khi đã thực hiện trám tại nha khoa.

1. Ăn uống sau khi trám răng

Hai giờ đầu sau khi trám răng, bạn không nên ăn hay uống bất cứ thứ gì để giúp vật liệu trám đạt độ cứng phù hợp và có thời gian thích ứng tốt với răng hơn. Bạn nên tránh ăn các thực phẩm cứng, dai, dính trong vòng ít nhất hai tuần, đặc biệt là nếu bạn trám bạc.

Nếu gặp phải tình trạng ê buốt răng, bạn nên hạn chế sử dụng thức ăn, đồ uống quá nóng hoặc quá lạnh, các thức ăn quá chua hoặc quá cay.

2. Bảo vệ chỗ trám răng

Bạn nên tránh cắn quá mạnh hay nghiến răng vì sẽ tạo áp lực lên răng, khiến chỗ trám dễ bị bong tróc. Bạn có thể chuyển sang nhai ở bên còn lại để chỗ trám có thêm thời gian để phục hồi.

Để bảo vệ chỗ trám cũng như toàn bộ răng, bạn không nên cắn móng tay hoặc dùng răng để mở nắp hộp hay xé bọc thực phẩm.

3. Vệ sinh chỗ trám răng

Bạn cần chải răng bằng bàn chải lông mềm với lực vừa phải để tránh gây mòn hay làm lệch vật liệu trám. Sau khi ăn, đặc biệt là thức ăn nhiều đường thì bạn nên súc miệng ngay, nếu không có sẵn nước súc miệng thì bạn có thể uống nhiều nước và súc miệng với nước.

Bạn nên đến kiểm tra lại chỗ trám sau mỗi 6 tháng để xem chỗ trám còn chắc không và thăm dò sức khỏe răng miệng tổng quát.

Trám răng là dịch vụ nha khoa phổ biến mà bạn có thể tìm thấy ở bất kỳ cơ sở nha khoa nào. Bạn nên tìm chọn trung tâm nha khoa có chất lượng với tay nghề nha sĩ và trang thiết bị đảm bảo để duy trì chất lượng chỗ trám lâu dài. Đặc biệt, bạn đừng quên tham khảo thêm nhiều thông tin để hiểu rõ và an tâm hơn trước khi trám răng nhé.

Quý khách có thể tham khảo hoặc theo dõi fanpage để nhận ưu đãi:

.
.
.
.